Lịch sử ẩm thực Trung Hoa
Văn hóa ẩm thực đặc sắc của xứ sở tỷ dân luôn chứa đựng những tinh hoa được cải biến và tinh luyện cùng tiến trình hàng ngàn năm lịch sử của nền văn minh Trung Hoa. Từ thời kỳ nhà Thương đến triều Đại Thanh, mỗi giai đoạn đều xuất hiện những dấu ấn riêng biệt, chứng tỏ sức hấp dẫn ngàn năm
Với tên gọi “thực đơn cổ nhất”, thời kỳ Thương – Chu (205 TCN – 256 TCN) được xem như giai đoạn đánh dấu sự khởi đầu cho văn hóa ẩm thực Trung Hoa với đại diện tiêu biểu là các trường phái ẩm thực ở khu vực trung và hạ lưu sông Hoàng Hà.
Giai đoạn phát triển thứ hai thuộc thời kỳ Tần – Hán (221 TCN – 220 SCN), ẩm thực Trung Hoa lúc này chứng kiến sự giao thoa mạnh mẽ giữa các món ăn địa phương. Đây cũng là khoảng thời gian mà ba trường phái ẩm thực trứ danh Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang được sản sinh.
Thời kỳ rực rỡ và hưng thịnh nhất của văn hóa ẩm thực Trung Hoa được kết tinh vào thời kỳ Ngụy – Tấn, Nam – Bắc Triều (220 TCN – 420 SCN) với sự hoàn mỹ tuyệt diệu từ nguyên liệu, món ăn đến cả gia vị và sự phong phú, linh hoạt trong các phương thức chế biến.
Tuy nhiên, đỉnh cao thật sự trong lịch sử văn hóa ẩm thực đất nước Trung Quốc chính là thời kỳ Nguyên – Minh – Thanh, sự cộng hưởng giữa các yếu tố dân tộc trong món ăn được biểu hiện qua các trường phái ẩm thực nổi tiếng như Chiết Giang, Giang Tô, Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, sự phát triển ngày càng hoàn thiện của nghệ thuật trà đạo Trung Hoa cũng là điểm nhấn quan trọng trong văn hóa ẩm thực giai đoạn này, đây là thời điểm mang tính tiếp nối sau giai đoạn hưng thịnh của thời nhà Đường.
Giai đoạn phát triển thứ năm trong tiến trình lịch sử văn hóa ẩm thực Trung Hoa thuộc về thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, thể hiện qua các món ăn vừa chứa đựng yếu tố dân tộc đậm nét, vừa tiếp thu và cải biến tinh hoa ẩm thực phương Tây, nổi bật là trường phái ẩm thực Quảng Đông.
Các trường phái ẩm thực trứ danh Trung Quốc
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ẩm thực đất nước Trung Quốc được xếp vào hàng ngũ mười nền ẩm thực hấp dẫn nhất hành tinh, những sự độc đáo và tinh túy được chắt lọc từ bát đại trường phái ẩm thực đã góp phần lan tỏa tinh hoa ẩm thực Trung Hoa đến với bạn bè thế giới.
Đó có thể là sức hút từ nghệ thuật bài trí của ẩm thực Giang Tô hay hương vị mộc mạc đến từ trường phái ẩm thực An Huy, sự pha trộn văn hóa Đông – Tây của món ăn Quảng Đông, tất cả đều giữ vai trò quan trọng trong tổng thể nền ẩm thực đất nước Trung Quốc.
Trường phái ẩm thực Tứ Xuyên
Ẩm thực Tứ Xuyên giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong sự cấu thành văn hóa ẩm thực Trung Hoa. Món ăn Tứ Xuyên có sự phổ quát rộng khắp Trung Quốc với sự đa dạng và đặc trưng riêng biệt, khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Thành Đô và Trùng Khánh là hai trường phái chính góp phần tạo nên ẩm thực Tứ Xuyên. Món ăn nơi đây đặc trưng bởi thứ hương vị nồng đậm, cay xè kết hợp cùng nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú và được chế biến qua hàng chục phương pháp khác nhau.
Văn hóa ẩm thực Tứ Xuyên luôn mang đến cho người thưởng thức cảm giác mỗi món một khác, trăm món trăm vị. Có lẽ đây cũng chính là xuất phát điểm cho lời ngợi ca “thực tại Trung Quốc, vị tại Tứ Xuyên.”
Một số món ăn nổi tiếng đã góp phần lưu danh trường phái ẩm thực Tứ Xuyên thành trường phái phổ biến khắp Trung Quốc như gà Công Bảo, lẩu Tứ Xuyên, đậu phụ Tứ Xuyên, sủi cảo sốt cay.
Trong đó, gà Công Bảo là món ngon truyền thống của Tứ Xuyên và không những có được tình cảm của vô số người dân Trung Quốc mà còn nhận về sự yêu thích trên khắp thế giới.
Thậm chí, gà Công Bảo đã trở thành đại diện nổi bật cho món ăn Trung Quốc ở các quốc gia phương Tây, tựa như mì Ý của Italia.
Nguyên liệu chính để tạo thành món ăn độc đáo này bao gồm thịt gà, ớt khô và đậu phộng. Độ mềm của thịt gà, độ giòn của đậu phộng hòa quyện với độ cay đặc trưng của ớt khô luôn sẵn sàng kích thích vị giác của bất cứ ai.
Tuy vậy, chuyến trải nghiệm ẩm thực nơi đây sẽ chẳng trọn vẹn nếu thực khách chưa một lần thưởng thức lẩu Tứ Xuyên, món ăn danh bất hư truyền của trường phái ẩm thực Tứ Xuyên.
Thành phần quan trọng nhất của món này chính là nước dùng được tạo nên từ hàng chục nguyên liệu tươi ngon, đặc biệt là hương vị cay nồng riêng biệt của ớt và tiêu trứ danh, chỉ có thể tìm thấy ở Tứ Xuyên.
Trường phái ẩm thực Sơn Đông
Được mệnh danh là đệ nhất trường phái ẩm thực Trung Hoa, món ăn Sơn Đông thịnh hành trên khắp Trung Quốc, đặc biệt phổ biến ở khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân và Đông Bắc Trung Quốc.
Trong chế biến, ẩm thực Sơn Đông luôn đảm bảo cho việc nấu ăn trở nên đơn giản nhất nhằm làm nổi bật hương vị tự nhiên của các nguyên liệu. Mỗi món ăn đều mang đậm nét đặc trưng, khó bắt chước.
Sở trường chính của ẩm thực Sơn Đông là các món canh và nội tạng động vật, điển hình là món ruột cá biển xào hành tỏi, dồi nhồi thịt nướng, dồi quay, canh chua cay, canh cà chua trứng, súp sữa ức gà.
Trong đó, súp sữa ức gà là món ăn để lại nhiều dư vị độc đáo cho người thưởng thức. Bởi lẽ, hiếm có vùng đất nào lại sử dụng sữa như một trong những thành phần chính của món súp.
Súp ở đây mang hương vị hoàn hảo do được hầm trong nhiều giờ cùng mã thầy, ức gà và sữa tươi. Sự dịu mát của mã thầy, mềm ngọt của ức gà kết hợp cùng vị thơm béo của sữa chắc chắn sẽ khơi dậy trong thực khách nhiều xúc cảm tuyệt vời.
Hơn nữa, do thuộc vùng đất ven biển, các món ăn được chế biến từ hải sản cũng là một niềm tự hào của văn hóa ẩm thực Sơn Đông. Tiêu biểu như canh hải sản Sơn Đông, canh nghêu đậu hũ, gỏi sứa Sơn Đông, mực phỉ thúy.
Ẩm thực Sơn Đông luôn chứng tỏ vị thế vững chắc của đệ nhất trường phái ẩm thực Trung Hoa, sở hữu lịch sử hơn 2500 năm cùng vô số món ăn đẳng cấp được phục vụ cho các bậc Hoàng Đế và những nhà lãnh đạo cấp cao trong lịch sử Trung Quốc, tiêu biểu như gà hầm Đức Châu.
Gà hầm Đức Châu là đặc sản có lịch sử hơn nửa thế kỷ của ẩm thực Sơn Đông. Gà được hầm cùng mật ong và các nguyên liệu khác trong nhiều giờ liên tục cho đến khi hoàn hảo.
Danh tiếng của gà hầm Đức Châu còn gắn liền với những lời khen ngợi mà chủ tịch Mao Trạch Đông đã dành cho món ăn này khi ông có dịp được thưởng thức vào năm 1950.
Bên cạnh đó, tinh túy ẩm thực Sơn Đông còn nổi tiếng gần xa với các món ăn như ốc kho, cá chép chua ngọt, dưa chua, đậu phụ phá lấu.
Trường phái ẩm thực Quảng Đông
Trong tâm thức hầu hết người dân Trung Quốc, phong cách ẩm thực đất nước họ chính là những gì thuộc về món ăn Quảng Đông. Ẩm thực nơi đây thể hiện rõ nét sự hài hòa các yếu tố Đông và Tây, hiện đại và truyền thống trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa.
Ẩm thực Quảng Đông hội tụ ba trường phái món ăn vô cùng nổi tiếng là Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang, sở trường thiên về các món chiên, rán, hầm, mùi vị giòn và mát.
Văn hóa ẩm thực Quảng Đông đặc biệt chú trọng ở bốn yếu tố sắc, hình, hương và vị. Do đó, các món ăn ở đây hoàn mỹ từ hình thức bài trí cho đến hương vị ngọt bùi, êm dịu bên trong.
Một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất cho sự kết hợp Đông Tây của trường phái ẩm thực Quảng Đông chính là bánh tart trứng.
Ngày nay, hầu hết mọi người đều cho rằng món ăn này được ra đời dựa trên sự va chạm văn hóa giữa ẩm thực Trung Hoa với ẩm thực phương Tây, nguồn gốc của nó được cho là bánh custard tart của người Anh.
Vỏ ngoài mỏng nhẹ, hương thơm dịu ngọt hòa cùng dư vị béo ngậy của nhân kem trứng đã giúp món bánh này trở thành một trong những món tráng miệng trứ danh nhất Trung Quốc.
Nếu bánh tart trứng tiêu biểu cho nét đẹp thời kỳ hội nhập của ẩm thực Quảng Đông thì gà hầm phi lê kiểu Thuận Đức lại đưa thực khách trở về với hơi thở truyền thống của vùng đất Thuận Đức, nơi được mệnh danh là cái nôi của ẩm thực Quảng Đông.
Đây là món ăn nổi tiếng nhất nhì tại Quảng Đông, thường được dùng kèm với cơm trắng. Sự đặc biệt của gà hầm phi lê kiểu Thuận Đức được tạo nên từ gia vị tẩm ướp truyền thống, bao gồm rượu trắng, muối, gừng, đường phèn và bột gạo.
Dư vị ngọt mát, thanh đạm của từng thớ thịt gà được hầm trong nhiều giờ chắc chắn sẽ không làm buồn lòng thực khách. Món ăn này cũng được liệt vào danh sách nhất định phải thử một lần trong đời nếu có dịp đặt chân đến đất nước Trung Quốc.
Những cái tên tiêu biểu khác của trường phái ẩm thực Quảng Đông như há cảo tôm, cá thu nhồi, xôi yến mạch chiên giòn cũng được lòng nhiều thực khách trên khắp thế giới.
Trường phái ẩm thực Giang Tô
Ẩm thực Giang Tô được ví như thể một bức tranh nghệ thuật đầy sắc màu, có khả năng đánh thức mọi giác quan của người thưởng thức.
Nét nổi bật của trường phái ẩm thực Giang Tô được tạo nên từ nghệ thuật bài trí món ăn vô cùng cầu kỳ và tỉ mỉ, điều này xuất phát từ yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật dùng dao trong chế biến và trang trí.
Món ăn Giang Tô đặc biệt phổ biến ở vùng hạ lưu sông Dương Tử với hương vị chua ngọt đặc trưng, chú trọng đến dinh dưỡng và sự nguyên bản của món ăn.
Với những con phố ẩm thực có lịch sử hơn 200 năm từ thời vua Càn Long, bức tranh ẩm thực Giang Tô quy tụ nhiều món ăn đặc sắc như canh rau nhút Tây Hồ, gà nấu dưa hấu, canh suông vi cá, cơm chiên dương châu, đậu phụ Bình Kiều.
Vang danh nhất mỗi khi nhắc đến ẩm thực Giang Tô chính là món cơm chiên Dương Châu. Bởi lẽ món ăn này không chỉ nổi danh khắp Trung Quốc mà còn phổ biến ở nhiều các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Cơm chiên Dương Châu thể hiện trọn vẹn những tinh túy của trường phái ẩm thực Giang Tô, vừa thu hút về hình thức lại giàu tính dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nguyên liệu của món ăn còn có thể biến tấu linh hoạt.
Không kém cạnh cơm chiên Dương Châu, đậu phụ Bình Kiều cũng là món ăn lừng danh của trường phái ẩm thực Giang Tô, từng được đích thân vua Càn Long thưởng thức và hết lời khen ngợi.
Tuy nổi tiếng gần xa nhưng đậu phụ Bình Kiều lại được tạo nên từ các nguyên liệu vô cùng đơn giản. Những miếng đậu phụ vuông tròn hòa cùng nước dùng nấu từ gà, óc cá diếc, mỡ lợn, hành và bột đao sẵn sàng đánh thức vị giác của bất cứ ai.
Trường phái ẩm thực Hồ Nam
Ẩm thực Hồ Nam có nét tương đồng với ẩm thực Tứ Xuyên khi chú trọng hương vị cay nồng của các món ăn và có sở trường chủ yếu là các món hầm, thường có màu sắc đậm đà, mùi thơm dịu mát.
Đầu cá hấp cay, món ăn có nguồn gốc từ thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam là một trong những món ngon nổi tiếng nhất của trường phái ẩm thực Hồ Nam.
Món ăn sử dụng nguyên liệu chính là đầu cá loại lớn, thông thường là đầu cá chép. Đầu cá sau khi được tẩm ướp cùng ớt đỏ, gừng, hạt tiêu, hành tây, đậu phộng và rượu sẽ được đem hấp lên.
Đầu cá sau khi nấu xong sẽ có hương vị vô cùng tuyệt hảo, đủ sức mê hoặc các tín đồ ăn cay với sắc đỏ bắt mắt và mùi hương cay nồng của ớt.
Tính đa dạng của ẩm thực Hồ Nam còn được thể hiện qua sự phong phú của các món ăn như đậu phụ thối hỏa cung điện, lẩu cá cay, thịt xông khói xào sả ớt.
Đặc biệt là đậu phụ thối hỏa cung điện, nằm trong danh sách bốn món đậu phụ thối nổi tiếng nhất Trung Quốc. Đây là món ngon độc đáo của Hồ Nam khi “đen như mực, non như pho mát, mềm như nhung” và đã có lịch sử phát triển hơn bảy mươi năm.
Trường phái ẩm thực Phúc Kiến
Văn hoá ẩm thực Phúc Kiến được hình thành trên nền tảng hội tụ của trường phái ẩm thực Phúc Châu, Hoan Châu và Hạ Môn.
Món ăn Phúc Kiến có sự ưu ái dành cho các nguyên liệu hải sản, nét đặc trưng của ẩm thực nơi đây nằm ở tính bổ dưỡng, hương vị tươi ngon và ít dùng muối trong các món ăn.
Vô số món ngon độc đáo đến từ trường phái ẩm thực Phúc Kiến như Phật nhảy tường, vịt hầm Phúc Kiến, tôm chiên kim sa đều hút hồn thực khách gần xa, kể cả những vị nguyên thủ trên thế giới.
Trong đó, Phật nhảy tường từng được lựa chọn để phục vụ tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Quá trình chế biến món ăn này vô cùng công phu, nguyên liệu được sử dụng chủ yếu là các loại sơn hào hải vị như vây cá mập, hải sâm, bào ngư, gân hươu, nhân sâm, sò điệp, giăm bông Kim Hoa.
Từng nguyên liệu sẽ được hấp riêng trong một hũ rồi đặt chung một thố đất sét, thêm rượu Thiệu Hưng, đậy kín bằng lá sen và hầm trên lửa nhỏ trong khoảng từ năm đến sáu giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, một số phương thức chế biến khác của Phật nhảy tường còn đòi hỏi đến ba mươi loại nguyên liệu và mười hai loại gia vị để mang đến hương vị tuyệt vời nhất cho món ăn.
Trường phái ẩm thực Chiết Giang
Ẩm thực Chiết Giang nổi tiếng với các món ngon được chế biến từ hải sản, tập trung vào hương vị, tinh tế trong hình thức nhưng phương pháp chế biến không quá cầu kỳ.
Điểm nhấn độc đáo trong văn hóa ẩm thực Chiết Giang được tạo nên từ các món ăn sống, nguyên liệu chủ yếu từ cá và hải sản nên món ăn mang hương thơm êm dịu, dễ dàng thưởng thức.
Mảnh đất này nổi tiếng xa gần với các món ngon đặc sản vùng non nước hữu tình, vang danh nhất là món cá giấm Tây Hồ, theo sau là các món đặc sắc như gà ăn mày, thịt kho Đông Pha, chân giò Kim Hoa, cua xanh Tam Môn.
Cá giấm Tây Hồ là món ăn có lịch sử từ thời nhà Tống với thành phần chính là cá chép hoặc cá rô Trung Quốc được bắt lên từ các dòng sông khu vực Tây Hồ.
Đặc điểm nổi bật của món ăn là cá sẽ không được chế biến ngay lập tức mà phải để cho cá đói khoảng từ một đến hai ngày nhằm loại bỏ các tạp chất được tiết ra từ ruột cá.
Trong chế biến, cá chép Tây Hồ có yêu cầu vô cùng khắt khe về độ lửa với mục đích đảm bảo sự tươi ngon của cá. Ngoài ra, hương vị đặc biệt của món ăn này được tạo nên nhờ lớp nước sốt chua ngọt và rượu giấm thơm Trấn Giang, vốn chỉ cho vào sau khi tắt bếp.
Bên cạnh đó, thịt kho Đông Pha cũng là một trong những món ăn trứ danh của trường phái ẩm thực Chiết Giang, có lịch sử gắn liền với người sáng tạo ra nó – học giả, nhà thơ nổi tiếng triều đại Bắc Tống Tô Đông Pha. Hơn nữa, món ăn này đặc biệt quen thuộc tại Việt Nam với tên gọi thịt kho tàu.
Nguyên liệu chính của thịt kho Đông Pha là thịt ba chỉ được cắt thành những mảng vuông lớn, đặc trưng trong quá trình tẩm ướp thịt gồm hai gia vị, nước tương và rượu Thiệu Hưng.
Trước lúc đem kho trong nhiều giờ cùng hỗn hợp nước tương thì toàn bộ thịt phải được chiên trong dầu nóng, công đoạn này giúp lớp da luôn bóng bẩy và giòn tan khi thưởng thức.
Thật không ngoa khi nói rằng, nếu chưa một lần nếm thử thịt kho Đông Pha thì xem như bạn chưa từng đến Chiết Giang. Tuy có phương pháp chế biến đơn giản nhưng hương vị thơm ngon khó cưỡng chính là điểm thu hút của món ăn này.
Trường phái ẩm thực An Huy
Ẩm thực An Huy được xem như nét chấm phá độc đáo trong bức tranh đa sắc của ẩm thực Trung Hoa, bằng việc kết hợp một loạt các loại rau xanh và thảo mộc trong quá trình chế biến, nền ẩm thực này mang đến cảm giác mộc mạc cho người thưởng thức.
Sở trường của ẩm thực An Huy thiên về các món ninh, hầm, nổi tiếng với các món ngon như vịt hồ lô, bánh trứng bác, gà đá hấp, bồ câu hầm Hoàng Sơn, ngỗng tiềm Ngô Sơn, đậu hũ thối Bát Công Sơn.
Vịt hồ lô là món ăn nổi tiếng nhất của trường phái ẩm thực An Huy, mang ý nghĩa cầu chúc cho thực khách gặp những điều may mắn. Đặc điểm nổi bật của món ăn này nằm ở màu sắc bắt mắt và hương vị ngon ngọt của thịt vịt.
Bên cạnh vịt hồ lô, bồ câu hầm Hoàng Sơn cũng chính là món ăn thể hiện rõ nhất phong cách núi rừng, hoang dã nhưng đầy tinh tế và bổ dưỡng của ẩm thực An Huy.
Bồ câu hầm Hoàng Sơn là món ăn truyền thống của An Huy và ra đời ở vùng núi Hoàng Sơn, một trong những ngọn núi đẹp nhất Trung Quốc.
Món ăn được chế biến từ hai đặc sản nổi tiếng của vùng núi này, đó là bồ câu Hoàng Sơn và khoai mỡ Hoàng Sơn. Hai nguyên liệu chính sẽ được hầm cùng nhiều loại rau củ cho đến khi đạt đến độ mềm có thể thưởng thức.
Các loại món ăn trong ẩm thực Trung Hoa
Món ăn đầu tiên xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc là các món nguội. Món ăn này tương tự như các món khai vị trong ẩm thực phương Tây, thường được phục vụ trước bữa ăn chính.
Món ăn nóng hay còn được gọi là món chính, hầu hết sẽ có nguyên liệu chính được làm từ thịt, cá, gạo, lúa mì và được chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau như ninh, xào, rán, hấp.
Không giống với nhiều nơi khác trên thế giới, súp luôn được sử dụng như một món khai vị thì đối với ẩm thực đất nước Trung Quốc đây là món ăn được dùng sau món ăn chính.
Một điểm đặc biệt khác trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa đó là món tráng miệng không được xem là một phần của bữa ăn chính mà chỉ thường được dùng giữa các bữa ăn.
Những yếu tố đặc sắc của văn hóa ẩm thực Trung Hoa
Trong tổng thể cấu thành văn hóa ẩm thực của một quốc gia, bên cạnh yếu tố trung tâm là những món ăn thì còn vô vàn dấu ấn đặc sắc khác giúp cho mọi người khắc sâu hơn về nền ẩm thực quốc gia đó.
Trên phương diện này, văn hóa ẩm thực Trung Hoa luôn sở hữu sức hút riêng biệt với những chuẩn mực khắt khe trong ăn uống được tuân thủ từ ngàn xưa.
Lưu ý trong cách sắp xếp món ăn
Bàn ăn của người Trung Quốc vô cùng đề cao sự tôn trọng đối với người thưởng thức, những món ăn ngon nhất thường được ưu tiên phục vụ cho người cao tuổi hoặc các bậc trưởng bối trong gia đình.
Khi có khách đến thăm nhà, sự thân thiện và hiếu khách của gia chủ được thể hiện qua cách sắp đặt và bài trí món ăn. Món chính thường được đặt ở giữa bàn ăn với các món phụ bao quanh hoặc có thể đặt đối diện với vị trí của người khách chính.
Tuy nhiên, sự tôn trọng trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa luôn xuất phát từ hai phía, người khách sẽ không được tự ý bắt đầu bữa ăn nếu chưa có sự cho phép của gia chủ.
Đôi đũa – linh hồn văn hóa ẩm thực Trung Hoa
Đôi đũa được xem là hình ảnh đặc trưng mỗi khi nhắc đến ẩm thực Trung Hoa với công dụng chính là để gắp thức ăn. Văn hóa dùng đũa của Trung Quốc đã có sự ảnh hưởng to lớn đến các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đây là vật dụng xuất hiện từ xa xưa trên bàn ăn của người Trung Quốc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của đất nước tỷ dân với lịch sử hình thành trong khoảng từ 3000 đến 5000 năm.
Đôi đũa truyền thống của người Trung Quốc có độ dài tiêu chuẩn là bảy tấc sáu phân, khoảng 25,308cm và tượng trưng cho quan niệm thất tình lục dục trong Phật giáo.
Hơn nữa, ngay từ những ngày đầu mới xuất hiện, đôi đũa đã có hai đầu tròn, vuông tách biệt đại diện cho sự hòa hợp âm dương giữa trời và đất.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ hệ thống quan điểm triết học dân tộc, người Trung Quốc luôn gọi là một đôi đũa. Việc này mang ý nghĩa về sự hợp nhất, trong một mà có hai, hai hòa làm một.
Món ăn trong một số dịp quan trọng
Giống với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, người Trung Quốc rất xem trọng ngày sinh nhật, bởi đó là một dịp có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời mỗi người.
Tại Trung Quốc, người trẻ thường được tặng bát mì trường thọ vào một ngày trước sinh nhật còn bánh kem thì sẽ được tặng vào đúng ngày sinh. Đến tuổi trung niên, những quả đào sẽ được thêm vào phần quà tặng như một lời chúc cho sự trường thọ.
Trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, mì trường thọ có một ý nghĩa đặc biệt to lớn, gắn liền với lời chúc về sức khỏe và may mắn. Theo quan niệm của người Trung Quốc, sợi mì được kéo càng dài thì tuổi thọ cùng sự may mắn sẽ càng cao.
Vào các dịp cưới hỏi, bên cạnh các món ăn chính được phục vụ thì trong văn hóa Trung Hoa, chà là, long nhã, hạt dẻ và đậu phộng luôn là những thực phẩm không thể thiếu. Chúng mang đến cho các cặp đôi lời chúc về sự may mắn và sớm sinh quý tử.
Vào đêm giao thừa, theo truyền thống thì mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức các món cá. Người Trung Quốc tin đó là biểu tượng của sự sung túc và thịnh vượng trong năm mới.
Đối với người Trung Quốc, món ăn luôn được sử dụng như một cách biểu hiện tình cảm dành cho người khác. Nếu bạn trở về sau thời gian dài xa cách người thân thì sẽ được chào đón bằng một bát mì. Với những dịp chia xa, người Trung Quốc thường dùng bánh bao để thể hiện ý nghĩa từ biệt.
Ẩm thực – biểu tượng văn hóa Trung Hoa
Văn hóa ẩm thực Trung Hoa tổng hòa và chắt lọc những tinh túy, đặc sắc đến từ nhiều trường phái ẩm thực khác nhau trên khắp đất nước.
Với người dân Trung Quốc, ẩm thực chính là một trong những quốc hồn dân tộc. Mỹ vị trong món ăn là bản chất của ẩm thực Trung Hoa, từ màu sắc, hình dáng đến mùi thơm và hương vị. Tất cả đều góp phần tạo nên thế giới ẩm thực đa dạng sắc màu và vô cùng biến hóa.
Trên phạm vi thế giới, món ăn Trung Quốc luôn có một vị thế rất cao khi liên tục xuất hiện trong danh sách những bảng xếp hạng ẩm thực danh giá của CNN hay YouGov.
Sức hấp dẫn đến từ sự đa dạng và rộng lớn của văn hóa ẩm thực Trung Hoa thật khó có thể biểu đạt. Nếu có thể, hãy cho bản thân cơ hội đặt chân đến nơi đây và tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi đắm chìm vào thiên đường món ăn của một trong những nền ẩm thực hấp dẫn nhất hành tinh.