Vinh danh “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”
Hôm nay (21-7), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) long trọng tổ chức lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với địa phương cũng như ngành VHTT&DL tỉnh nhà; thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với công tác bảo vệ ngôi đình và thực hành, gìn giữ, lưu truyền các nghi lễ truyền thống ở đình Tân An trên đất Bình Dương.
Bình Dương có thêm một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
“Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” là một trong những lễ lớn hàng năm của đình Tân An (khu phố 1, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một) đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ngày 12-1-2022. Như vậy, tính đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trước đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận, gồm: “Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”, “Nghề gốm tỉnh Bình Dương” và “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà”). Sự công nhận này đã thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của dân tộc, của đất nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết đình Tân An (còn gọi là đình Bến Thế) ban đầu là một ngôi miếu có tên Tương An miếu, ra đời cùng với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ XIX; là cơ sở tín ngưỡng chung của 4 xã thuộc huyện Bình An xưa, gồm: Tương Hiệp, Tương An, Tương Hòa và Cầu Định. Sau đó, các xã Tương Hiệp, Tương Bình, Cầu Định lần lượt xây dựng đình thần riêng, Tương An miếu trở thành ngôi đình riêng của xã Tương An (nay là phường Tân An).
Với những giá trị mà ngôi đình còn lưu giữ, năm 2014, đình Tân An đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật. Tiếp nối niềm vui đó, đầu năm 2022, “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” tiếp tục được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó chứng tỏ, những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đình Tân An có giá trị rất lớn, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ.
Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người dân Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng đã không ngừng sáng tạo, bồi đắp, thực hành, gìn giữ và tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Thành quả đó đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng và vô giá, trong đó có “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”. Đến nay, đình Tân An đã trải qua hơn 200 năm hình thành, phát triển và chứng kiến bao cuộc đổi thay của đất nước, của vùng đất và con người địa phương nơi đây, nhưng các nghi thức cúng tế của đình vẫn được người dân địa phương bảo lưu và thực hành thường xuyên theo đúng lệ xưa.
Giá trị của “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”
Lễ hội Kỳ yên là dịp để người dân bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thần đã có công bảo vệ xóm làng; là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Lễ hội còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của người dân địa phương trong công tác chung của làng xã, giúp cho việc cố kết cộng đồng được gắn kết bền chặt hơn; đồng thời góp phần giáo dục cộng đồng, nhất là đối với lớp trẻ về tinh thần yêu quê hương, đất nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc.
Hiện nay, các nghi thức cúng tế trong “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” về cơ bản vẫn được người dân địa phương bảo lưu, thực hành đầy đủ và khá trọn vẹn. Hàng năm, vào dịp lễ hội Kỳ yên, đình Tân An thu hút hàng ngàn lượt người trong và ngoài địa phương tham gia. Đặc biệt, nhiều người dân địa phương đi làm ăn xa nhưng đến kỳ lễ hội đều tranh thủ trở về dự lễ.
Từ những giá trị còn lưu giữ, thực hành thường xuyên, có thể thấy “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương. Đó là nơi thể hiện đời sống văn hóa tâm linh, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tâm thức luôn hướng về nguồn cội, tổ tiên và đặc biệt là thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, người dân có thể dễ dàng tự nhận thức được về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống của cha ông và giữ mãi trong mình bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ông Lê Văn Phước chia sẻ thêm: “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An cho chúng ta thấy được đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong lễ hội, mọi người bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thần đã có công bảo vệ, phù hộ xóm làng, tri ân các vị tiền hiền, hậu hiền, các anh linh chiến sĩ, liệt sĩ có công bảo vệ quê hương, đất nước. Lễ hội Kỳ yên không chỉ là nơi thực hành tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự tồn tại của “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” qua gần 200 năm mang đậm bản sắc Việt, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương”.
Bài viết liên quan
- Chăm lo đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Ứng dụng nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong đời sống tu tập của người đệ tử Phật hiện nay
- Lời tri ân trong triển lãm mỹ thuật Còn mãi với thời gian
- Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022”: Xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động
- Củng cố niềm tin đồng bào Mông bằng cách tuyên truyền và vận động
- Đời sống vỉa hè Sài Gòn - Không gian văn hóa bị bỏ quên
- Quảng Bình: 16 đội tranh tài tại giải bóng chuyền CNVCLĐ năm 2022
- Tìm hiểu về khái niệm giá trị văn hóa và các loại hình văn hóa trong đời sống