Ẩm thực vùng đất Tây Nguyên
Vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ, bạt ngàn cà phê,… là điểm đến hấp dẫn của các “phượt thủ” chuyên nghiệp cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài vẻ đẹp của núi rừng, của văn hóa cồng chiêng, thì Tây Nguyên còn gây ấn tượng mạnh với du khách bởi những món ăn đặc sản dân tộc mang hương vị riêng của vùng đất bazan.
Gà nướng Bản Đôn
Gà nướng Bản Đôn là món ăn dân giã của đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên ngày nay nó đã trở thành một đặc sản không thể bỏ qua đối với du khách khi tới tham quan, khám phá vùng đất Tây Nguyên.
Gà dùng để nướng phải là những con gà thả vườn chính hiệu, là loại tơ, trọng lượng khoảng 1 kg, bởi nếu quá nhỏ thịt sẽ có mùi còn quá lớn thịt sẽ bị dai. Gà sau khi được làm sạch mổ lấy ruột và để nguyên con, bẻ dẹt ra, ướp với muối ớt, nước sả và thêm chút mật ong rừng. Ướp tầm 30 phút sẽ mang ra nướng trên than hồng cho đến khi chuyển sang màu vàng, dậy mùi thơm là được.
Món này thường được chấm với muối ớt hoặc muối sả. Nếu có thêm cơm lam dẻo mềm thì lại càng ngon hơn. Sẽ rất tuyệt vời khi trong tiết trời se lạnh của núi rừng được quây quần bên bếp lửa nhà sàn và nhâm nhi món ăn đậm đà này.
Canh thụt của người Mnông
Món canh thụt được đồng bào dân tộc Mnông ở Bình Phước nấu trong ống nứa, bao gồm các nguyên liệu như cà đắng, lá nhíp non, nhíp già, lá mướp, hoặc trái mướp non, đọt mây đắng, lá ớt, cà bát, thịt thú rừng, thịt động vật nuôi, cá… Tất cả bỏ vào ống nứa đổ nước gần đầy miệng ống, dùng lá cây nút kín, dựng nghiêng ống canh bên bếp than để nấu. Khi nấu phải xoay trở thường xuyên để ống nứa không bị cháy. Khi canh sôi, dùng que gỗ, hoặc lồ ô thụt nhuyễn nguyên liệu trong ống sau đó nêm muối. Tiếp tục nấu và thụt khi nào canh có độ sền sệt thì đưa ra khỏi bếp, đổ ra trái bầu, tô, chén để ăn với cơm.
Ngoài món canh thụt, đồng bào Mnông ở Bình Phước còn có nhiều món đặc sản ẩm thực dân tộc món canh bồi, canh măng, canh lá nhíp già giã nhuyễn nấu với phèo trâu, heo…
Cơm lam của người Mạ
Đối với người Mạ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, cơm lam là món ăn phổ biến và không thể thiếu trong các dịp lễ, hội.
Để làm được món cơm lam dẻo thơm, đồng bào Mạ đã rất tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, chuẩn bị ống nấu đến cách đặt trên than… Gạo nếp phải là loại hạt thuôn dài, trắng, thơm, được ngâm trong nước vài tiếng (hoặc 1 đêm). Sau đó đem vo sạch, trộn thêm ít muối rồi mới cho vào ống lồ ô.
Ống lồ ô dài khoảng 1m, không được quá non hay quá già. Lúc đổ gạo vào các ống, không được dồn quá chặt. Dùng các loại lá rừng, có thể dùng lá dứa làm nút bịt ở đầu ống để tạo nên mùi thơm đặc biệt cho cơm lam.
Trước khi nấu, lửa than phải được chuẩn bị thật đượm để cơm không cháy khô và chín đều. Ống cơm không được đặt trực tiếp lên than mà một đầu phải gác trên thanh ngang, một đầu chạm mặt đất tạo nên một góc 45 độ. Ống cơm phải luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô. Lúc thấy thoảng mùi thơm của nếp bay ra từ đầu ống là cơm đã chín. Lúc cơm gần chín, phải đục lỗ dưới ống lồ ô để tránh bí hơi, nứt ống, cơm sẽ không ngon.
Cơm lam được cắt thành từng khúc dễ ăn và giữ được lớp lụa mỏng màu trắng ngà trong ống lồ ô dính vào những hạt gạo dẻo, nóng hổi, dậy mùi ngọt của hương lá rừng. Chỉ cần mang theo một ít muối vừng, muối ớt, vài đoạn cơm lam trong chiếc gùi là đã có bữa cơm chắc bụng cho người lên rẫy.
Những ngày lễ hội, trong mâm cỗ của người Mạ thường có món cơm lam và thịt nướng. Trên mâm cỗ dâng cúng thần linh của người Mạ, màu trắng ngần của hạt cơm cùng màu vàng sậm của thịt nướng là sự kết hợp vô cùng độc đáo. Sẽ rất thú vị khi được nhâm nhi vị nồng cay của rượu cần, thưởng thức cơm lam dẻo ngọt, cảm nhận vị đậm đà béo ngậy của thịt nướng và nghe người Mạ kể chuyện thủa ông cha khai hoang, lập bon làng trên mảnh đất đỏ bazan huyền thoại.