Trải nghiệm ẩm thực vùng cao
Để được trải nghiệm nền văn hóa và thưởng thức ẩm thực vùng cao phía Bắc với cách chế biến truyền thống do chính người dân bản địa chế biến, trong chính không gian văn hóa, đời sống của người vùng cao là một trong những nét hấp dẫn du khách đến với vùng cao.
Đặc biệt đến với vùng cao du khách sẽ được thưởng thức những món ngon do chính tay mình chế biến theo sự hướng dẫn của người dân bản địa, sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác biệt, và thích thú khi đi du lịch vùng cao.
Thưởng thức ẩm thực dân tộc Tày
Đi du lịch Miền Bắc món ăn ngon hấp dẫn nhất phải kể đến các món ngon của người Tày như: Thịt lam “nứa lảm”, măng nhồi “mảy nhưởng”, thịt hấp “khâu nhục”… luôn là những món ngon được du khách lựa chọn khi đến với vùng cao. Đối với người Tày trên mâm cỗ mảy nhưởng, nứa lảm, xôi ngũ sắc, khâu nhục và riệu thóc là những thứ không thể thiếu, đặc biệt là trong ngày Tết.
Món mảy nhưởng
Món này được làm từ măng vầu tươi, nhân được làm từ thịt ba chỉ, trứng gà luộc, rau thơm, mùi tàu, tía tô, hành củ, tất cả đều được băm nhỏ rồi trộn đều với bột nếp rang, thêm gia vị vừa ăn rồi nhồi vào trong ống măng, hoặc gói bằng phần lá măng đã bóc ra lúc trước. Xong xuôi, cho vào nồi hấp chừng 30 phút, tới khi mùi thơm đặc trưng của măng, nếp và các gia vị bốc lên đậm đà là được. Mang ra thưởng thức, miếng mảy nhưởng có phần vỏ màu tươi vàng, nhân thơm ngậy, món ăn có đủ hương vị của măng rừng, bột nếp hòa trộn hương vị của các loại rau, gia vị tạo nên mùi thơm đặc trưng mà chỉ khi đến tham quan những bản làng người Tày mới được thưởng thức.
Món nứa lảm được làm bằng thịt lợn bản luộc chín, cắt miếng vừa ăn rồi ướp thảo quả, hoa hồi, dấm, hạt tiêu cùng gia vị trộn đều trong vòng 2-3 giờ cho ngấm. Sau đó nhồi vào ống tre, bịt hai đầu và nướng trên bếp lửa khoảng 1 giờ cho tới khi phần vỏ tre cháy hết và có mùi thơm của thịt từ trong ống. Lúc này bóc vỏ tre, lấy thịt ra, thịt có màu sậm và thơm.
Khi ăn kèm với rau sống và nước mắm tỏi, ớt. Cách làm tuy mất nhiều thơi gian nhưng lại không khó nên du khách đến bản thường được người dân bản địa dậy họ tự làm khoảng 1 đến 2 món trên chính mâm cơm cùng gia đình. Đa phần du khách đến đây đều thích thú được trải nghiệm, được hướng dẫn để tự làm những món ăn độc đáo và thưởng thức ngay tại Homestay sẽ là những trải ngiệm khó quên của du khách.
Độc đáo món nướng của dân tộc Thái
Người Thái nổi tiếng với các món nướng và nhiều loại gia vị đặc sắc. Món nướng của người Thái rất da dạng, nhưng đặc nổi bật nhất phải nói đến món cá nướng “pa pỉnh tộp”. Với sự phối hợp hài hòa của nhiều loại gia vị, như: Gừng, sả, rau thơm, ớt, tỏi... Đặc biệt là hạt mắc khén rừng. Các loại gia vị sau khi được băm, thái nhỏ, đem trộn đều, một phần nhồi vào trong bụng cá, phần còn lại sát đều lên thân cá, ướp trong thời gian 30 - 40 phút cho cá ngấm đều gia vị rồi nướng trên than hồng.
Món cá nướng pa pỉnh tộp
Đây là món ăn rất ngon, cá chọn được nướng phải là cá chép, cá trôi hoặc cá trắm, có trọng lượng từ 0,5kg – 1kg và cá phải thật tươi. Sau khi làm sạch vảy cá, dùng dao mổ dọc sống lưng thay vì mổ bụng để có thể dễ dàng nhồi gia vị. Trước khi nướng, gập úp cá lại và kẹp vào thanh tre chẻ đôi, dùng lạt buộc hai đầu thanh tre lại (cũng có thể gói vào 1 lần lá chuối trước khi kẹp), nướng trên bếp than củi hồng, chú ý lửa than phải đều và giữ khoảng cách vừa đủ đảm bảo nhiệt độ cho cá chín đều mà không cháy. Than dùng nướng cá phải than không có gỗ tạp, bởi nếu có sẽ làm mất đi hương vị thơm ngon tự nhiên của cá. Khi cá chín có màu sậm và tỏa hương thơm ngào ngạt, vị bùi ngậy, người thưởng thức dễ dàng cảm nhận được vị ngọt từ thịt cá, vị cay nồng của ớt tỏi, vị thơm của các loại rau rừng hòa quện vào nhau mang đến cho thực khách hương vị thơm ngon rất rieng mà chỉ khi đến vùng cao mới được thưởng thức.
Món nậm pịa
Là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Thái. Tuy nhiên, pịa ngon nhất vẫn là pịa dê. Món pịa có khả năng tiêu độc, tăng cường khả năng tiêu hóa, đồng thời giúp giải rượu rất hiệu quả, món nậm pịa thường được nấu với lục phủ ngũ tạng gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, đuôi, và không thể thiếu mật của con vật lấy pịa, thêm gia vị mắc khén và nhiều loại gia vị khác tạo nên hương vị thơm, bùi, đắng nhẹ hấp dẫn.
Nậm pịa chuyên dùng như một món canh ăn riêng (không chan vào cơm hay các loại thức ăn khác). Nậm Pịa như một món ăn giúp giải rượu trong những bữa liên hoan, tiệc tùng của người vùng cao Tây Bắc.
Bài viết liên quan
- Ẩm thực Nhật Bản AjiDo Thủ Đức
- Top 10 Trang web báo ẩm thực nổi tiếng nhất Việt Nam
- TỰ HÀO ẨM THỰC VIỆT NAM XÁC LẬP KỶ LỤC THẾ GIỚI
- Top 36 Món ăn truyền thống ẩm thực Việt Nam ngon và nổi tiếng nhất
- Top 20 món ngon ẩm thực Sapa hương vị núi rừng Tây Bắc
- Ẩm thực Trung Quốc và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa
- Ẩm thực Nhật Bản - Nét tinh hoa của đất nước mặt trời mọc
- Văn hóa ẩm thực Việt Nam có đặc trưng gì? Sự khác biệt ẩm thực 3 miền